Sex training hay Sex Education? : Ko rõ nghĩa thì đừng dùng
BLOG NGUYỄN VẠN PHÚ:
♥♪♫
Sáng thứ Hai đầu tuần, đọc được mẩu tin trên báo Thanh Niên “Khởi động Sex Training Tour 2011” thiệt là giúp đỡ căng thẳng đầu óc. Tin này thật ra được nhiều báo đăng, nói về Chương trình giáo dục giới tính do Đoàn trường Cao đẳng Thương mại TP Đà Nẵng phối hợp với công ty cổ phần du lịch Việt Đà tổ chức.
.
Haha. Sao hết cách đặt lại đặt cho chương trình một cái tên như thế?
.
“Sex training” hàm ý huấn luyện kỹ năng làm tình, nghệ thuật làm tình!
.
Còn giáo dục giới tính phải gọi là “sex education”.
.
Bên Mỹ người ta cũng tranh cãi về hai khái niệm “training” và “education” và câu nói thường được đem ra để minh họa cho sự khác nhau giữa hai khái niệm này là câu: “Do you want your 14 year old daughter to attend a sex EDUCATION class, or a sex TRAINING class?”
.
Tức là cho dù có nghĩ “training” với “education” giống nhau đi nữa thì người ta cũng không thể bỏ qua yếu tố khác nhau giữa chúng khi dùng trong ngữ cảnh “sex training” và “sex education”.
.
Thôi, tốt nhất là đổi tên chương trình và tốt hơn cả là dùng tiếng Việt cho khỏe.
BLOG TIẾN SỸ TUẤN
Người Tây phương, nhất là những kẻ có học vấn thấp ở các nước như Úc, Mĩ, Âu châu, v.v… nhìn Thái Lan như là một thị trường du lịch sex, nơi mà họ có thể bỏ tiền ra mua dâm một cách rẻ mạt, để thể hiện cái thực dân chủ nghĩa thời xa xưa của cha ông họ.
Tôi không nghĩ là Việt Nam muốn tự biến thành một địa điểm sex tourism hay sex training tourism, vì như thế thì nhục lắm.
Đọc đến đoạn cuối của bản tin tôi mới biết rằng mục tiêu của chương trình du lịch là “giáo dục giới tính”, hay nói theo tiếng Anh là Sex Education. Giáo dục giới tính là một thuật ngữ chung để nói đến những chương trình giáo dục về sinh lí, tái sản sinh, sức khỏe giới, v.v…
Vậy thì tại sao không đặt tựa đề bản tin là “Khởi động chương trình du lịch giáo dục giới tính”? Sao lại “chơi nổi” để cho ra một tựa đề [xin lỗi] lai căng như thế nhỉ? Chẳng những lai căng mà con sai ý nghĩa. Xin nói thêm rằng tuy hai chữ education và training có cùng một phạm trù về nghĩa, nhưng education là hàm ý nói đến lí thuyết, khái niệm, khoa học; còn training là chủ yếu đề cập đến thực hành, kĩ năng, dạy nghề. (Bộ Giáo dục và Đào tạo là Ministry of Education and Training).
Các chuyên gia thường khuyến khích nên viết tiếng Anh đơn giản. Tôi nghĩ tiếng Việt cũng thế: chọn chữ nào càng đơn giản và dễ hiểu càng tốt. Tránh những cái tựa đề hay câu chữ lâu lâu chen vào mấy chữ Anh như teen, top hit, album, hay vô duyên hơn là sex training.
Nói đến chữ training làm tôi nhớ cách đây không lâu khi nhóm chúng tôi tranh luận nhau chữ trained nurse, trained technologist trong bài báo khoa học. Thông thường trong nghiên cứu y khoa, y tá cùng bác sĩ thu thập dữ liệu, và các chuyên gia tiến hành đo lường các chỉ số sinh hóa, nên người ta thường có câu “Data collection was done by a trained nurse and a doctor. The skeletal measurements were done by a trained technologist”. Chữ trained nurse hàm ý nói rằng y tá được huấn luyện để thu thập dữ liệu, và trained technologist là nói rằng chuyên gia được tập huấn để làm đo lường.
Có người trong ban biên tập phê bình rằng chữ trained thường hay dùng cho... chó (như trained dog) chứ không nên dùng cho người. Vả lại, đã là y tá hay technologist và đã tham gia nghiên cứu thì phải qua đào tạo rồi, nên viết trained nurse là thừa. Ai cũng sững sờ trước nhận xét này vì bấy lâu nay ai cũng sử dụng cách viết đó như là một quán tính mà không ai để ý đến ý nghĩa thật của nó. Nói như thế để thấy rằng cần phải cẩn thận với việc dùng chữ training hay trained. Tôi nghĩ nguyên tắc an toàn là nếu không rõ ý nghĩa của từ, thì cách "an toàn" nhất là dùng từ đơn giản và có ý nghĩa mà ai cũng hiểu
.