Khi nói đến tự học tiếng Anh chúng ta thường nghĩ đến mua một quyển sách giáo khoa, một quyển tự điển, một vài bộ đĩa và ít giấy bút. Trên thực tế, tự học là một trường phái đào tạo, nó là cả một lý thuyết. Nó có mục tiêu, phương pháp, và điều kiện. Tất nhiên người học không cần quan tâm đến lý thuyết ấy, mà câu hỏi của họ chỉ là HOW, tức là học thế nào.
Để thực hiện được quy trình tự học ngoại ngữ chúng ta cần có những bước sau đây:
Nhận thức (xây dựng khái niệm)
Tìm hiểu bản chất ngôn ngữ mục tiêu
Xây dựng hướng đi.
Chuẩn bị điều kiện
Các kỹ thuật tiến hành
Trong một bài báo ngắn chúng tôi chưa thể giới thiệu chi tiết quy trình này. Nhưng sau đây là những bình diện cơ bản.
1. Nhận thức
Học ngoại ngữ là đi vào trong lòng ngôn ngữ ấy, tức là hiểu được bản chất của nó là gì, rồi mới tiến hành quy trình xây dựng kiến thức và luyện sử dụng kiến thức ấy. Bài tập luyện sử dụng ngôn ngữ khác với việc làm một bài Toán ở chỗ bài Toán khi đã có đáp án là kết thúc, còn bài luyện ngoại ngữ khi có đáp án mới là bắt đầu.
Mỗi yếu tố học là một thử nghiệm. Khi học một mẫu câu phải thử dùng vào tình huống xem nó có thích hợp không. Nếu không thích hợp thì bổ sung hoặc thay thế.. Đây gọi là quy trình dựng-thử giả thiết (hypothesis building and testing).
Mối quan hệ giữa tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ (ngôn ngữ mục tiêu). Khi sử dụng tiếng mẹ đẻ chúng ta có một hệ thống thói quen. Sử dụng một ngôn ngữ khác đòi hỏi thay đổi thói quen. Khi nói tiếng Anh chúng ta phải thay đổi nhiều thói quen, ví dụ thói quen sử dụng các cơ quan cấu âm, thói quen thở (breathing) khi nói.
Đừng đặt mục tiêu quá cao. Quá trình học là quá trình tiến dần theo kiểu bổ sung. Mỗi giai đoạn học, ví dụ sau 3 tháng người học có 400 từ, sau 6 tháng có 700 từ, v.v. Không nên ép ngữ liệu (cách phát âm, số từ, số mẫu câu, hiểu biết về văn hoá) vào một thời gian ngắn để “chóng xong”, hoặc không nên chủ quan cho rằng trí nhớ của mình tốt nên có thể ép ngữ liệu. Kết quả của một quy trình học ngoại ngữ không phải là ghi nhớ được bao nhiêu ngữ liệu mà là dùng được bao nhiêu ngữ liệu. Vì thế người ta gọi quy trình nắm bắt một ngoại ngữ là quy trình ba chữ R: Remember (tiếp cận, nhớ tạm thời), Retain (ghi nhớ lâu dài), và Recall (gợi nhớ để sử dụng trong tình huống). Recall là yếu tố quan trọng nhất. Khả năng Recall thấp tức là ngữ liệu chết nhiều.
2. Tìm hiểu bản chất tiếng Anh
Người học trước khi vào học cần được biết cái nhìn từ bên trong (insight) tiếng Anh.
Phát âm. Trong tiếng Anh nói có 5 tầng bậc từ thấp lên cao, mỗi tầng bậc có một đặc thù người học bắt buộc phải nắm được: âm (sound) – từ (word) – nhóm từ (phrasse) – câu (sentence) – trên câu (discourse)
Bậc âm có ba loại: những âm gần giống tiếng Việt, những âm khác xa tiếng Việt, và những âm hoàn toàn xa lạ với người Việt. Bậc từ là trọng âm từ. Bậc nhóm từ là luyến âm. Bậc câu là trọng âm câu và nhịp điệu. Bậc trên câu là ngữ điệu.
Từ vựng. Khái niệm nằm đằng sau từ tiếng Anh rất khác với tiếng Việt, vì hai từ tương đương xuất hiện trong hai nền văn hoá khác nhau. Khi học từ người học cần biết điều này để tìm từ có nghĩa thích hợp. Cái khó của cách sử dụng từ tiếng Anh là sự kết hợp từ. Ví dụ người Anh nói strong wind, chứ không nói heavy wind.
Mẫu câu. Tiếng Anh có 32 mẫu câu cơ bản. Ở trình độ ban đầu, người học cần sử dụng nhuần nhuyễn. Khi trình độ cao lên, người học học cách phối hợp các mẫu cơ bản.
3. Xây dựng bước đi.
Từ những hiểu biết về bản chất tiếng Anh như vậy, người học xây dựng cho mình một hướng đi. Ví dụ, học phát âm tiếng Anh cần theo 4 bước: xây dựng hiểu biết (knowledge building), luyện cơ học (mechanical drill), luyện nhận diện (identification), luyện sản sinh (production). Học từ cần xây dựng các bậc 400, 700, 1000, 1400, 1800, 2500. Học mẫu câu cần theo năm nhóm: L, I, T, D, và C.
4. Trang bị kỹ thuật học.
Người thày cần trang bị kỹ thuật dạy (classroom techniques), người trò cần trang bị cho mình kỹ thuật học (study skills): ví dụ kỹ thuật học nghe hiểu, kỹ thuật đọc sách, kỹ thuật dựng câu để nói, kỹ thuật chọn từ, viết câu viết đoạn, kỹ thuật tra tự điển.
5. Chuẩn bị điều kiện.
Trong quy trình chuẩn bị điều kiện cái khó nhất là chọn lựa một quyển sách giáo khoa (băng, đĩa). Hãy tham khảo và chọn cho mình một quyển sách giáo khoa nào đấy có chất lượng, ví dụ English KnowHow, OUP. Hãy kiên trì với một quyển sách (băng, đĩa). Sau đó hãy chọn cho mình một quyển từ điển Anh-Việt đáng tin cậy (ví dụ từ điển Anh-Việt của Lê khả Kế), cùng với quyển tự điển hướng dẫn cách kết hợp từ (Collocations dictionary). Chọn mua một bộ truyện sử dụng từ theo bậc cao dần (ví dụ Oxford Bookworms Library). Một máy cát-xét hoặc đầu CD/VCD.
Với hành trang như vậy người học chỉ còn một việc cuối cùng và khó khăn nhất: xếp cho mình mỗi ngày 30-45 phút học tiếng Anh.
11/07/2008
Nguyen Quoc Hung, M.A.
Collocations dictionary
http://www.mediafire.com/?nynfckftcyy
http://www.mediafire.com/?4z1mym3jy0m
http://www.mediafire.com/?jqywtddtwkv
http://www.mediafire.com/?hxmzdme4jgm
http://www.mediafire.com/?jgtziwmyjuf
English KnowHow
http://www.mediafire.com/?sharekey=fb075063d718d69948eb2adac9e093d1a87ae542dc569137
http://www.mediafire.com/?sharekey=fb075063d718d69948eb2adac9e093d1f2259123d9da7189
Oxford Bookworms Library
http://1kho.com/kho-ebook/17072-oxford-bookworms-library-pdf-audio.html
Tự học tiếng Anh : nhận thức >> bản chất >> hướng đi >> điều kiện >> tiến hành
STAY HUNGRY - STAY FOOLISH