bài của Joe Dâu Tây
Nếu chữ Đ bị bỏ các bạn có thấy buồn không?
Có ai rơi nước mắt nếu chữ Đ trở thành chữ D, mất dấu “-“ nhỏ ở giữa?
Trước hết, hệ thống đánh vần của tiếng Việt khá tuyệt vời. Nghe thì biết viết. Đọc thì biết nói. Chính tả và phát âm là một. Ví dụ, tôi bịa ra một từ tiếng Việt mới – “puốc pin” chẳng hạn. “Chị ấy đã puốc pin tôi!” tôi nói với các bạn. Mặc dù lần đầu tiên nghe nhưng các bạn sẽ biết cách viết từ đó, đi về gửi tin nhắn cho mọi người đọc – “Anh Dâu bị puốc pin rồi đó hahaha!”
Hệ thống đánh vần của Tiếng Anh không tuyệt vời chút nào. Nếu có một người bịa ra một từ mới như vậy, rồi nói với tôi, rất có thể tôi sẽ không biết cách viết. Ví dụ: Joe, you are such a “gabow!” Muốn nhắn tin cho mọi người,tôi sẽ phải về nhà lên mạng kiểm tra xem từ đó viết như thế nào (và nghĩa là gì?). Gabow? Gobow? Gaboe? Gabowe? Gabough?
Tiếng Anh có bảng chữ cái thứ hai là Phiên Âm Tiếng Anh Quốc Tế. Những người đang học tiếng Anh chắc rất quen với các chữ “nửa Nga nửa Ai Cập” như θ, ʈ ɖ ɘ æ... Lẽ ra bảng chữ cái thứ hai này là bảng chữ cái thứ nhất. Phát âm và chính là một, giống hệ thống tiếng Việt. Nếu chỉ có bảng phiên âm (mà không có bảng ‘lôi thôi’ kia) người Việt đang học tiếng Anh không cần học thuộc cách đánh vần của hàng nghìn từ dài. Họ chỉ cần học vài “luật chơi” để âm ra miệng thành chữ trên trang.
Có nhiều nhà ngôn ngữ học ở các nước nói tiếng Anh muốn sửa lại hệ thống đánh vần đang dùng, bỏ hết các trường hợp viết ra một âm theo nhiều kiểu khác nhau (kiểu mượn từ tiếng Đức, từ tiếng Pháp, từ tiếng Hà Lan, từ tiếng gì-gì-đó của nước đâu-đâu-đấy) Một vợ, một chồng; một cách nói, một cách viết. Theo đa số nhà ngôn ngữ học đó, thay vì các chữ “Ai Cập/Nga” kia nên dùng chữ “abc bình thường”, nhưng dùng cách thông minh hơn. Ví dụ, âm “ô” trong tiếng Anh có nhiều kiểu viết khác nhau - nên chọn duy nhất một kiểu và đóng cửa lại.
Go = Go
Joe = Jo
Show = Sho
Though = Tho
Vấn đề là tiếng Anh đã viết như thế rồi. Thay đổi cả cách đánh vần của một ngôn ngữ khó vô cùng - bao nhiêu là sách phải in lại, bao nhiêu là người sẽ kêu ầm ĩ. Bất lực.
Người Việt Nam đang giữ trong tay chính hệ thống mà các nhà ngôn ngữ học phương Tây ấy đang với tới. Một hệ thống đánh vần thông minh, gọn gàng, liên quan trực tiếp đến cách phát âm, độ chính xác gần 90%. Thế mà các bạn đang nhập trực tiếp rất nhiều từ tiếng Anh cách viết vốn đã linh tinh, không sửa lại theo hệ thống tiếng Việt, in trực tiếp trên các trên tạp chí, tờ báo, cuốn sách…
Mỗi khi thấy một chữ Đ bị thay bằng một chữ D tôi cảm thấy lạ. “Chúng ta đã xem lại data của công ty.” Sao không viết “đa-ta”? Phát âm là đa-ta, không phải da-ta. Đa là đa, da là da, hai âm riêng.
Chuyện Đ/D là cách mở màn. Phần biểu diễn còn dài.
Tôi nghĩ việc Việt hóa từ mượn không khác gì việc đội mũ bảo hiểm - nếu ai cũng làm thì không ai cảm thấy xấu hổ. Một tác giả viết “đata” sẽ cảm thấy ngại vì độc giả quen với cách viết “data” rồi (sành điệu mà). Nhưng bản thân cách viết “đata” không có gì là đáng ngại cả.
Nếu từ trước đến giờ người Việt chỉ viết “film” (theo cách tiếng Anh), rồi hôm nay trên báo có một tác giả bỗng viết “phim” thì các bạn sẽ thấy buồn cười. “Phim” hả? Trời ơi, quê quá, lạ quá, buồn cười thế nhỉ! Nhưng các bạn đã quen với cách viết “phim” từ lâu rồi nên không thấy buồn cười nữa - vì trước đây có một người dũng cảm quyết định viết lại từ đó cho phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt. (Lưu ý: Các từ mượn của tiếng Pháp ngày xưa được Việt hóa tốt hơn các từ mượn của tiếng Anh ngày nay)
Bây giờ không ai nói "bu-gi" phải viết bougie, hay "ghi-đông" phải viết "guidon", mặc dù khi nhập cách viết đã thế.
Đọc đến đây chắc các bạn hiểu việc tôi đang phê phán không phải là mượn từ của tiếng Anh mà là mượn trực tiếp, không sửa lại cách viết cho phù hợp với tiếng Việt. Theo tôi, nên sửa lại tất cả các từ mượn của tiếng Anh nào cho phù hợp với tiếng Việt, ngoài các danh từ riêng như tên người, tổ chức hay địa điểm (Beckham, Unicef, Paraguay…).
Buồn cho “Cha”!
Tôi lo về tương lai hệ thống đánh vần của tiếng Việt. Cha Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes) và những người Việt Nam phát triển hệ thống đánh vần chữ La-tinh cùng (và sau) ông ấy đã làm tốt. Tôi nghĩ họ sẽ rất buồn khi biết chữ Đ của họ đang dần dần biến thành chữ D, chữ Ê đang dần dần biến thành chữ E…và một hệ thống tuyệt vời đang bị thiếu chăm sóc.
Tôi biết một số các bạn sẽ nói:“Yên tâm! Đó chỉ là những từ tiếng Anh ghép vào câu tiếng Việt. Tại sao không giữ lại cách viết tiếng Anh; dễ nhìn hơn chứ! Sẽ không ảnh hưởng đến các từ khác trong câu đâu, đã xem data sẽ không thành dã xem data!”
Có lẽ một chữ D trong một từ tiếng Anh (trong một câu tiếng Việt) sẽ không ảnh hưởng đến các từ khác. Tuy nhiên chữ D ấy sẽ ảnh hưởng đến hệ thống. Trước đây tiếng Việt có một hệ thống đánh vần công bằng – không có từ nào, chữ nào, hơn cái hệ thống đó. Còn bây giờ có một số từ “hơn”.
Nói cách khác những từ mượn trực tiếp từ tiếng Anh không viết lại cho phù hợp giống những người nước ngoài đi đường không đội mũ bảo hiểm - vì nghĩ công an sẽ không bắt.
Hãy nhìn câu này: “Gặp turbulence nên máy bay đã hạ cánh muộn 20 phút.” Từ turbulence phát âm như thế nào? Bạn có biết không? Cách phát âm của bạn có giống cách phát âm của người ngồi bên cạnh không? Theo hệ thống tiếng Việt cũ, chính từ đó phải cho bạn biết cách phát âm chính xác qua cách đánh vần. Thế mới là hệ thống tuyệt vời!
Nhưng theo hệ thống bất bình đẳng mới thì từ turbulence có thể vênh mặt lên. Các từ bên tay phải, bên tay trái phải cho bạn biết cách phát âm. “Họ” là từ của Việt Nam nên họ phải theo luật của Việt Nam. “Nhưng tôi chả cần,” từ turbulence đang nói. “Tôi là từ nước ngoài. Anh muốn phát âm hả? Anh cứ đoán mà xem.”
Không tốt! Chỉ có những dành từ riêng như Beckham, Unicef, Paraguay vừa kể trên có “quyền được miễn ngoại giao”, là không bắt được. “Turbulence” là dân thường - bắt thoải mái. (Turbulence nghĩa là thời tiết xấu khiến máy bay lắc lên lắc xuống.)
Còn quan điểm“…đã xem data sẽ không thành dã xem data”?
Tôi chưa chắc. Biết đâu các từ mượn dần dần sẽ ảnh hưởng đến các từ “bản địa” thì sao? Trong tiếng Việt, lớp từ Hán-Việt chiếm một tỷ trọng rất lớn, nhất là ở phong cách nghị luận, khoảng 60-70%. (GS Nguyễn Tài Cẩn). Biết đâu năm 2999 từ “Anh Việt” chiếm 70% thì sao? Thì nguy hiểm! Từ Hán Việt không thể làm hỏng hệ thống đánh vần của tiếng Việt. Từ “Anh Việt” thì có thể có.
Từ Hán khi sang tiếng Việt phải viết lại từ đầu (vì là từ tượng hình). Khi viết lại đương nhiên phải theo luật của hệ thống tiếng Việt. Nhưng từ tiếng Anh có cách viết đi kèm. Có thể viết lại cho phù hợp với hệ thống tiếng Việt, hoặc có thể không - thế nào cũng có từ để bán. Xu hướng là không viết lại, “cứ để nguyên cho xong”. Nếu tiếp như thế, dần dần hệ thống đánh vần của tiếng Việt sẽ bị mất, thậm chí bị thay bằng hệ thống lộn xộn của tiếng Anh.
Đó là vấn đề chung của các ngôn ngữ dùng chữ La-tinh: tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Somali (hoặc Sô-ma-li), v.v. Các ngôn ngữ dùng chữ riêng không bị ảnh hưởng; Tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, v.v., khi nhập từ tiếng Anh phải bỏ cách đánh vần tiếng Anh ngay.
Ủy ban bảo vệ
Người trí tuệ nên là người tiên phong. Họ nên thống nhất một hệ thống mà trong đó các từ mượn của tiếng Anh có cách Việt hóa chính thức và phù hợp. Vấn đề là với một số người tự cho là trí tuệ Việt Nam, nói từ mượn của tiếng Anh với phát âm cũng mượn từ tiếng Anh trở thành cách khoe khoang trình độ của mình.
Thay vì chỉnh sửa hoặc bỏ đi, họ lại nhấn mạnh các chữ “s” ở cuối từ tiếng Anh, các chữ “th” ở đầu…đến mức cách phát âm của họ nghe giống con mèo tức giận hơn người Anh. “Tao biết, mày chưa biết”, là điều các con mèo tức giận ấy muốn nhấn mạnh.
Vậy chúng ta nên nhờ ai?
Có khi Việt Nam nên thành lập một Ủy ban bảo vệ ngôn ngữ theo cách L'Académie française bên Pháp. (Tiếng Pháp cũng đang bị đe dọa từ nhiều phía.) Khi có một từ tiếng Anh xuất hiện nhiều trong tiếng Việt (sorry, toilet) các chuyên gia thuộc Ủy ban sẽ thống nhất một cách viết cho phù hợp với tiếng Việt (so-ri, toi lét). Cách viết ấy Ủy ban sẽ thông báo là chính thức, được cho lên mạng, in trong các từ điển và biển quảng cáo.
Trong trường hợp Ủy Ban không chấp nhận dùng từ mượn từ tiếng Anh thì các chuyên gia sẽ chọn một từ tiếng Việt dùng để thay thế (turbulence = sốc khí). Các tạp chí, tờ báo và trang điện tử lớn sẽ phải hoạt động theo quy định của Ủy ban, không thì bị phạt tiền.
Thêm dấu vào
Thêm một việc quan trọng Ủy ban nên thực hiện. Đó là thêm thanh điệu vào từ mượn. Tiếng Trung khi mượn từ của tiếng Anh hay thêm thêm dấu vào. Ronaldo thành Rổ-nã-đồ (ví dụ vậy). Tiếng Việt thì không. Tiếng Việt hay để không dấu. Ba-ha-sa, In-đô-nê-si-a, v.v. Nghe rất “la la la” và cũng hơi buồn ngủ. Tôi dùng thuốc pan-a-đôn loại hai đô-la mua ở Cam-pu-chi-a gần cửa hàng nô-ki-a ở chỗ đường Van-pơ-si giáp đường Uê-ru-ni…
“Thổ Nhĩ Kỳ” là cách của tiếng Trung. “Thô-nhi-ky” là cách của tiếng Việt (Thổ Nhĩ Kỳ là từ mượn của tiếng Hán mượn của tiếng Tây nên có dấu). Nếu đọc báo lá cải của Việt Nam các bạn sẽ thấy tên của các sao Trung Quốc lên xuống bình thường, nhưng tên của các sao Tây rất “la la la” Xem trận bóng đá cũng vậy, “Chân Ma-cô Su-lê của Slô-ven-i-a đã chạm vào đầu ben-gia-min ba-li-ma của Bơ-kin-a-pha-sô..”, thỉnh thoảng có một dấu sắc ở cuối (I-ba-him-ơ-víc).
Tôi nghĩ tiếng Trung thêm dấu vào từ mượn là hợp lý (mặc dù tôi chưa hiểu cách thêm vào của họ là như thế nào). Từ mượn nào cũng phải xem có nên thêm dấu vào hay không. Tên con người, thành phố, đất nước, v.v. không nhất thiết phải luôn viết theo cách “Việt hóa”, nhưng với những con người và địa điểm nổi tiếng nên có cách Việt hóa chính thức với phát âm chuẩn có dấu (có thể tra trên trang điện tử chính thức). Ủy ban đề xuất này sẽ giúp người Việt Nam thực hiện việc đó.
Điều quan trọng là Ủy ban phải có quyền phạt tiền. Chính tôi hay mắc những ‘sai lầm’ vừa miêu tả trên. Trước khi công an phạt tiền tôi cũng hay không đội mũ bảo hiểm. Không có cách quản lý nào hiệu quả bằng việc phạt tiền.
Người ngồi viết nhật ký ở quán cà phê dùng chữ gì cũng được. Nhưng người phụ trách các tờ báo và nhà xuất bản lớn nên sống trong sợ hãi. Họ nên luôn sợ bị phạt tiền, và khi vi phạm các quy định ngôn ngữ trên họ nên bị phạt tiền thật.
Như thế mới bảo vệ được một hệ thống tuyệt vời.
viết thêm 19/07/2010
Sau khi đọc nhận xết của các bạn tôi quyết định giữ một quan điểm và sửa một quan điểm. Tôi vẫn nghĩ tiếng Việt nên viết theo cách phát âm. Nếu cách phát âm là “xì-trét” nên viết “xì-trét”, không phải “stress”. Các cụ đã viết lại “guidon” thành “ghi-đông” và “valise” thành “va-li”, vậy thế hệ bây giờ nên tiếp tục viết lại “pro” thành “pờ-rồ” , party thành “pạc-ty”, v.v.-
Tuy nhiên việc thêm dấu vào từ mượn của tiếng Anh tôi phát hiện quan điểm của tôi đã sai. Thứ nhất dấu ngang vẫn là một dấu. Thứ hai tiếng Việt có hệ thống thêm dấu vào từ mượn rồi, vừa tự nhiên vừa phát triển. Người ta vẫn có thể chủ động được nhưng không đến mức tôi nghĩ đâu
Hệ thống đánh vần thông minh gọn gàng của tiếng Việt : ko phải cái nào tiếng Anh cũng hay
STAY HUNGRY - STAY FOOLISH